1. Cơ sở nào phải xây dựng phương án PCCC?

Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở.

Kể từ ngày 10/01/2021, Nghị định 136/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành, đã bổ sung quy định về quản lý phòng cháy chữa cháy cơ sở. Theo đó, một cơ sở phụ thuộc vào chi tiết hoạt động kinh doanh, quy mô mà sẽ thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã (Phụ lục IV) hoặc Cơ quan công an (Phụ lục III).

Ví dụ: Nhà làm việc của doanh nghiệp với quy mô:

Từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1500m3 trở lên sẽ thuộc quản lý của Cơ quan công an;

Dưới 5 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3 sẽ thược quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì cơ sở thuộc quản lý của các cơ quan khác nhau sẽ phải đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy khác nhau. Tuy nhiên, các cơ sở này sẽ phải đáp ứng các điều kiện chung như: Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp; Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp; và Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong phạm vi bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến phương án chữa cháy.

2. Nội dung phương án chữa cháy

Phương án chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:

 

-            Nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy;

-            Đề ra tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau;

-            Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy;

-            Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời và được cấp có thẩm quyền phê duyệt lại khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

3. Trách nhiệm xây dựng và phối hợp xây dựng phương án chữa cháy

Có 02 loại phương án chữa cháy:

* Phương án chữa cháy của cơ sở

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở đối với khu dân cư, cơ sở trong phạm vi quản lý theo Mẫu số PC 17 ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP).

Như vậy, mọi cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy đều có trách nhiệm xây dựng Phương án chữa cháy của cơ sở. 

* Phương án chữa cháy của cơ quan Công an

Cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ (Phụ lục II) thuộc diện thực hiện tổ chức xây dựng Phương án chữa cháy của cơ quan Công an:

-            Trưởng Công an cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở thuộc Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy;

-            Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở còn lại (trừ các cơ sở đã được phân công cho trưởng Công an huyện) thuộc Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Như vậy, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ sẽ phải thực hiện Phương án chữa cháy của cơ sở và Phương án chữa cháy của cơ quan Công an.

4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt và thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy

* Thẩm quyền phê duyệt:

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 149/2020/TT-BTC (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20/02/2021) thì thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy:

-            Người đứng đầu cơ sở: phê duyệt Phương án chữa cháy của cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý (Phụ lục IV Nghị định 136/2020/NĐ-CP) đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý.

-            Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh/ Trưởng Công an cấp huyện: phê duyệt Phương án chữa cháy của cơ sở và Phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở do Cơ quan Công an quản lý (Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP) được phân cấp quản lý.

Giám đốc Công an cấp tỉnh sẽ quyết định phân cấp quản lý căn cứ theo bộ máy tổ chức, biên chế, địa bàn, số lượng cơ sở.

* Hồ sơ đề nghị phê duyệt:

Các cơ sở do Cơ quan Công an quản lý (Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP) phải thực hiện gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị phê duyệt Phương án chữa cháy của cơ sở. Hồ sơ đề nghị gồm có:

-            Văn bản đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở;

-            02 bản phương án chữa cháy của cơ sở đã được người có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án ký tên, đóng dấu (nếu có).

Lưu ý: Phương án chữa cháy của cơ quan Công an sau khi được phê duyệt theo quy định, đơn vị trực tiếp xây dựng phương án có trách nhiệm xây dựng Phiếu chiến thuật chữa cháy (Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 149/2020/TT-BTC) và sao gửi cho cơ quan Công an có lực lượng, phương tiện tham gia trong phương án.

Hình thức nộp hồ sơ:

-            Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;

-            Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);

-            Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.

5. Xử phạt hành chính về xây dựng phương án chữa cháy cơ sở

Tùy vào hành vi vi phạm mà mức phạt sẽ khác nhau, cụ thể:

-            Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng phương án chữa cháy không đảm bảo yêu cầu;

-            Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không trình phê duyệt phương án chữa cháy;

-            Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối hành vi không xây dựng phương án chữa cháy;

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Căn cứ pháp lý:

-            Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

-            Nghị định 167/2013/NĐ-CP;

-      Thông tư 149/2020/TT-BTC.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 394.422
    Online: 1
    ipv6 ready