Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân, củng cố mối quan hệ cộng đồng. Có nhiều lễ hội mang tính chất khách nhau. Lễ hội nghề nghiệp, lễ hội phồn thực, giao duyên, hội thi tài (đấu vật, đấu võ, vật cù, bơi lội, dệt vãi…), lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng.
Những lễ hội truyền thống từ xưa ở vùng đất tỉnh lỵ Thành Sen
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Thành Sen có nhiều lễ hội, đa dạng, phong phú, thể hiện những nét bản sắc văn hóa của người Thành Sen. Phần đa là các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, như lễ hội gắn với tục thờ Thành Hoàng làng, lễ cầu mưa, lễ tế thánh tại các đền, miếu; Lễ Phật đản (Mồng tám tháng tư âm lịch) và lễ tế Trung nguyên (Lễ vu Lan, rằm tháng 7) tại các chùa; lễ Noel, Giáng sinh của giáo dân.
Hàng năm, vào mùng 8 tháng Tư âm lịch, Chùa Nài có hội tắm cheo Phật, nước được lấy từ giếng ở dưới chân núi Nài, trước đây người ta gọi là “rước nước”. Vào ngày hội này, các thiện nam, tín nữ, người dân trong vùng về dự đông vui.
Các đàn, miếu thuộc tỉnh thì ngày chính lễ do tỉnh thần chủ tế. Hội trưởng văn hội tỉnh chủ tế ở Văn Miếu. Lễ tế thánh Văn Miếu tổ chức vào giữa tháng Hai và tháng Tám âm lịch (Tức lễ tế xuân và thu). Thường một năm hoặc có khi ba năm một kỳ, tỉnh cũng tổ chức lễ vong hồn vào dịp tết Trung nguyên.
Đền, miếu ở làng, xã tuy không lớn nhưng việc cúng tế khá linh đình. Trong lễ tế xuân hoặc tế lục ngoạt, các xã thường có rước thần. Ở Trung Tiết, 11 thôn đều rước kiệu, rước hương án về tế ở đền Hội đồng của xã, sau đó mới rước về miếu các làng. Ở các làng, xã khác cũng vậy, ngày rước thần cũng là ngày hội làng. Không chỉ có chức sắc, hào lão mà già trẻ, gái trai đều náo nức đi rước, đi xem…
Lễ Cầu ngư ở Đồng Môn mở vào khoảng từ ngày 15 cho đến ngày 30 tháng Sáu âm lịch hàng năm. Đến ngày lễ, người ta thường dựng rạp trên bờ sông, rước các thần từ đền ra lễ tế, tiếp đó là tổ chức thi bơi giữa sáu đội do sáu chủ thuyền được dân làng cử ra dẫn đầu, sau đó lại rước thần về đền.
Lễ hội Miếu Đôi (Tiền Bạt - Thạch Quý) được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng và ngày 15 tháng Sáu âm lịch, Nhân dân về đây làm lễ cầu mưa, tổ chức đua thuyền, bơi chải. Đây là một trong những tín ngưỡng thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, những vị thần sông, thần đất ấy ngày đêm có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng, bởi vậy làng phải thờ thần, tế thần. Lễ hội cầu mưa của Nhân dân địa phương từ bao đời được thực hiện ở Miếu đôi, chứa đựng khát vọng tha thiết, manh liệt về tín ngưỡng cầu mưa rất thiêng liêng của người nông dân từ xa xưa.
Ngoài các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, còn có các hội vui xuân hoặc các dịp lễ lạt quan trọng, hội vui thường có các trò chơi, các cuộc thi đánh cờ thẻ, chọi gà, đấu vật, đua thuyền, tôm điếm…; các lễ hội nghề nghiệp như hội chay của phường thịt, phường chè, phường xe kéo ở chợ tỉnh…
Hội chay của phường thịt, phường chè, phường xe kéo ở chợ tỉnh diễn ra vào dịp tết trung nguyên, với những nét đặc sắc riêng. Trong vòng một tháng, kể từ rằm tháng Sáu, hàng chè bán “chè om” với giá cao hơn bình thường một chút, lấy tiền chênh lệch để sắm sửa lễ vật, khách mua chè cũng vui lòng chấp thuận. Vào ngày rằm tháng Bảy, phường lập đàn, mời đạo tràng về cúng tế linh đình. Lễ xong, mọi người xông vào “Cướp cỗ”. Người ta tin rằng, năm nào người cướp cỗ đông vui thì năm ấy làm ăn thịnh vượng. Phường thịt cứ 12 năm làm chay một lần. Trước khi mở hội, các hàng đều bán thịt om được bà con ủng hộ, côi như làm việc phúc đức. Vào hội chay, không chỉ phường thịt mà cả chợ đều náo nức. Các hàng quán khác đều biện lễ tới cúng. Có thể nói, hội chay chợ tỉnh là một dịp hiếm có quấy rộn tỉnh lỵ yên ả.
Tiếp tục gìn dữ, phát huy nét đẹp, truyền thống văn hóa quê hương
Ngày nay, nhiều lễ hội truyền thống đã và đang được nhân dân, chính quyền các cấp dìn giữ, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Thành Sen và phát huy những giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương
Một số lễ hội truyền thống từ xưa, hiện nay đang được thành phố và các địa phương quan tâm khôi phục, phát triển như:
Lễ hội Xuân tại Văn Miếu Hà Tĩnh:
Tại Văn Miếu, trước đây thường diễn ra các lễ tế với nghi thức trang trọng. Đó là lễ tế xuân (tháng hai âm lịch) và tế thu (vào ngày 15 tháng Tám âm lịch), tức là ngày lễ tế Nho thánh và các vị tiên hiền. Hiện nay, thành phố Hà Tĩnh đã khôi phục Lễ hội Xuân truyền thống tại Văn Miếu Hà Tĩnh, tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, gồm 2 phần: lễ và hội.
Phần lễ gồm các nghi thức: Tế lễ các vị tiên hiền khai nguồn đạo học cùng các danh nhân văn hóa được thờ tự tại Văn Miếu; lễ dâng “Văn phòng tứ bảo” cầu may cho quốc thái dân an, quê hương phát triển ngày càng giàu đẹp.
Phần hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa, thể thao như: Thi cờ thẻ, cho chữ ngày xuân, trưng bày sách báo xuân và đêm thơ nhạc với chủ đề “Thành phố mùa xuân”.
Lễ hội đua thuyền gắn với các trò chơi dân dân gian:
Thành phố Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều sông, hồ. Lễ hội đua thuyền là một lễ hội độc đáo, mang nét đẹp văn hóa trị thủy, dựng nước, giữ nước của vùng đất, con người thành phố Hà Tĩnh trong suốt chiều dài lịch sử. Trước đây khá phổ biến ở các xã, nhất là vùng Đông Lỗ (Thạch Linh), Trung Tiết, Đồng Môn… hiện nay đã được Thành phố và nhiều phường, xã: Tân Giang, Đồng Môn, Thạch Hưng, Thạch Hạ… khôi phục, tổ chức quy mô, bài bản, được đông đảo quần chúng Nhân dân quan tâm, tham gia, cổ vũ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trên địa bàn thành phố.
Lễ hội đua thuyền thành phố Hà Tĩnh được tổ chức hằng năm nhằm phát huy, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống để tạo động lực, mục tiêu, phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2022, Lễ hội đua thuyền thành phố Hà Tĩnh được tổ chức trên sông Phủ, với 16 đội tham gia, trong đó có 15 đội của 15 phường, xã và 01 đội của huyện Pacxang, nước bạn Lào. Thông qua lễ hội, thành phố Hà Tĩnh mong muốn các đại biểu cũng như các vận động viên đội đua sẽ được giao lưu, học hỏi, thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt-Lào nói chung và hai địa phương kết nghĩa: Huyện Pạc Xăn, tỉnh Bolykhamsay và thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
Lễ hội bắt cá:
Đây là một lễ hội truyền thống, hình thành từ thập niên 80 của thế kỷ trước, thường được tổ chức vào ngày 12-13 tháng Bảy âm lịch để người dân cầu gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi. Tuy nhiên, theo thời gian, lễ hội đã bị mai một, nay được UBND xã Thạch Hưng khôi phục.
Sau tiếng trống khai hội, hàng trăm người dân đến từ các địa phương ở Hà Tĩnh đã hào hứng lội xuống hồ Đập Lổ tham gia lễ hội bắt cá truyền thống xã Thạch Hưng trong tiếng hò reo của khán giả. Lễ hội bắt cá truyền thống xã Thạch Hưng năm 2022 thu hút khoảng 300 “nơm thủ” là người dân trên địa bàn và nhiều địa phương khác trong tỉnh cùng tham gia. Tham gia lễ hội, người dân dùng các dụng cụ bắt cá truyền thống như: nơm, vó, rớ, nhủi. Ban tổ chức nghiêm cấm các loại lưới (lưới thả, lưới kéo, dạ kéo...) để đảm bảo tính công bằng và bảo vệ môi trường. Lễ hội không chỉ là nét văn hóa đặc sắc vùng miền mà thực sự là một sân chơi lành mạnh, tạo sự vui vẻ, kết nối người dân địa phương.
Ngoài các lễ hội truyền thống, tại thành phố Hà Tĩnh có một số lễ hội gắn với các hoạt động văn hóa như: Lễ đón nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; lễ đón nhận các danh hiệu: Thôn, Tổ dân phố văn hóa; Tổ dân phố mẫu, Nhà văn mẫu...; đặc biệt, trong những năm gần đây, Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc 18/11 được tổ chức hàng năm tại các khu dân cư, tạo nên phong trào rộng khắp, không khí sôi nổi, vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong Nhân dân.