Nhằm mục tiêu xây dựng thành phố tương xứng với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thành phố Hà Tĩnh đang thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương.

Thành phố Hà Tĩnh đã thành lập 15/15 Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, phường và 124/124 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn, Tổ dân phố

 

Để đạt được mục tiêu về chuyển đổi số đề ra, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số, những thành tựu, lợi ích chuyển đổi số đưa lại, những bài học kinh nghiệm, mô hình, câu chuyện về chuyển đổi số… tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thành phố được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hệ thống máy vi tính, thiết bị văn phòng, hạ tầng mạng, phòng họp trực tuyến… đảm bảo phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Thành phố đang tiến hành khảo sát, lập phương án triển khai lắp đặt hệ thống wifi tại các điểm công cộng phục vụ người dân khai thác, sử dụng; số hóa hệ thống truyền thanh, truyền hình thành phố, phường, xã.

Đến nay, thành phố Hà Tĩnh đã triển khai 24 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trên các ngành, lĩnh vực như: Quản lý cán bộ, công chức; tài chính, kinh tế; lao động, thương binh, xã hội; quản lý đất đai; đô thị; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông...

Thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức 19 đợt tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố và phường, xã, qua đó, trang bị kiến thức chuyên sâu về dịch vụ công, an toàn thông tin, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.

Về ứng dụng chữ kỹ số, gửi nhận văn bản, tạo hồ sơ điện tử đã thực hiện đúng quy định về gửi, nhận văn bản điện tử và ứng dụng chữ ký số tại các phòng, ban, cơ quan đơn vị, phường xã, trường học thuộc thành phố. Từng bước số hóa dữ liệu của thành phố. Giai đoạn 2021-2023, thành phố có 32.065 văn bản nhận trên hệ thống và 16.121 văn bản của thành phố được ký số, gửi đi. Từ năm 2022, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tạo lập hồ sơ điện tử trên hệ thống hồ sơ công việc, số lượng văn bản được tạo lập hồ sơ điện tử đến nay là 6409 hồ sơ.

Về cổng/trang thông tin điện tử thành phố, các phường, xã: Chỉ đạo nâng cao chất lượng của cổng/trang thông tin điện tử, trung bình mỗi năm, có trên 4000 văn bản của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và gần 1000 tin, bài, thông tin đăng tải lên Cổng thông tin điện tử thành phố.

Kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh: Tại các cơ sở giáo dục, y tế, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, tuyến đường trên địa bàn thành phố đã triển khai việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp. Khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử, từng bước hình thành, phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố.

Triển khai thiết kế, xây dựng kho dữ liệu số; tạo mã QR, thiết kế lắp đặt tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn thành phố, để thuận tiện cho việc truy cập kho dữ liệu tìm hiểu thông tin về các di tích đã được xếp hạng.

Hiện nay đã hoàn thành dự án và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát trật tự đô thị và an toàn giao thông tại thành phố, gồm các hạng mục: Hệ thống camera giám sát an ninh tại 82 vị trí, hệ thống camera xử phạt và giám sát biển đen tại 13 vị trí, trung tâm giám sát điều hành có diện tích 856,4m2 đặt tại Công an thành phố, hệ thống mạng truyền dẫn tín hiệu từ các camera giám sát về trung tâm điều khiển, hệ thống đèn tín hiệu giao thông... với tổng mức đầu tư gần 132 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng, có tính chất xương sống trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Hà Tĩnh.

Thành phố Hà Tĩnh đã thành lập 15/15 Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và 124/124 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn. Ban hành quy chế hoạt động và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ. Tổ chức lễ ra mắt tổ chuyển đổi số cộng đồng và phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp triển khai hàng trăm đợt tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn thành phố sử dụng các dịch vụ số, nền tảng số: Dịch vụ công trực tuyến; căn cước công dân và định danh điện tử; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử; hướng dẫn quy trình thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền học phí, mua bán trao đổi bằng hình thức trực tuyến...

Thành phố Hà Tĩnh đang tìm giải pháp tháo gỡ tiếp những “điểm nghẽn” để xây dựng đô thị văn minh.

 

Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc xây dựng đô thị thông minh đang tiếp tục được thành phố Hà Tĩnh triển khai. Để đạt được kết quả cao hơn, thành phố đang tìm giải pháp tháo gỡ tiếp những “điểm nghẽn” như: Hạn chế của hạ tầng số; tính ổn định, khả năng duy trì kết nối giữa các địa phương và trung tâm điều hành; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về chuyển đổi số và tập trung huy động nguồn lực lớn đầu tư cho việc xây dựng đô thị thông minh.

Chia sẻ với PV Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu cho biết: “Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc đồng bộ để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó tập trung cao cho việc xây dựng Đề án thí điểm đô thị thông minh tại thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện các tiêu chí chính quyền số; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số, nền tảng số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số; phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử... thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số”

https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ha-tinh-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-gan-voi-chuyen-doi-so-374024.html


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 394.216
    Online: 56
    ipv6 ready