Ngày 19/1/2021 ban chỉ đạo phòng, chống các hành vi vi phạm về Pháo trên địa bàn phường Hà Huy Tập - Thành phố Hà Tĩnh tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo. Về dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Văn Đức Phó bí thư thường trực Đảng ủy.
Thực hiện Quyết định số 2965/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của Chủ tịch UBND thành phố về việc thành lập BCĐ phòng chống các hành vi vi phạm về pháo trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của Chủ tịch UBND Phường Hà Huy Tập về việc thành lập BCĐ phòng chống các hành vi vi phạm về pháo trên địa bàn Phường Hà Huy Tập; Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, gắn trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phường tổ chức thực hiện cụ thể.
Đ/c Phạm Viết Cường - Phó chủ tịch UBND - Trưởng BCĐ phân công nhiệm vụ các thành viên
Ý kiến phát biểu của đồng chí Đậu Minh Anh Tuấn - Trưởng công an phường Hà Huy Tập
Ngày 11/01/2020, Nghị định số 137/2020/NĐ - CP của Chính phủ, (ban hành ngày 27/11/2020) về quản lý, sử dụng pháo đã chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế cho Nghị định số 36/2009/NĐ – CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo. Nghị định 137 quy định một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm về pháo…
Hiện nay, một bộ phận người dân khi tiếp cận thông tin liên quan đến Nghị định 137/2020/NĐ - CP đã hiểu chưa đúng các quy định cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo (bao gồm cả pháo hoa nổ). Việc hiểu sai bản chất của Nghị định 137/2020/NĐ - CP sẽ vô tình dẫn tới vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Trước hết người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Cần biết, pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định (tại điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị định 137/2020/NĐ – CP) là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định 137/2020/NĐ - CP ra đời. Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm người dân sử dụng. Nếu người dân sử dụng pháo hoa nổ thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháo hoa được sử dụng phải được mua từ các đơn vị kinh doanh của Bộ Quốc phòng và chỉ được phép sử dụng trong các dịp lễ, Tết… đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, không gây mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, Nghị định 137/2020/NĐ - CP cũng quy định người sử dụng pháo hoa phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có đủ năng lực hành vi dân sự thì mới được sử dụng pháo hoa. Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa có tiếng nổ. Đồng thời, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo; trong đó, quy định cụ thể hơn đối với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo, so với 4 hành vi quy định tại Nghị định số 36/2009/NP-CP (Quy định cụ thể tại Điều 5, Nghị định 137/2020/NĐ-CP)
Đ/c Phạm Văn Đức - Phó bí thư Đảng uỷ phường phát biểu ý kiến chỉ đạo
Trong thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép. Trước tình hình đó, Công an tỉnh, Công an thành phố đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Trong đó, tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các nội dung của Nghị định 137/2020/NĐ - CP được duy trì thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao ý thức chấp hành của nhân dân. Mặt khác, đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác với các hành vi vi phạm về pháo, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm; tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác. UBND phường, công an phường đã ra quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết, phát tài liệu về những điểm mới của Nghị định 137, công khai số điện thoại đường dây nóng để nhân dân biết và tố giác các trường hợp sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo trái phép. Thông qua đó, đã giúp người dân nắm vững luật pháp, tự giác chấp hành và tham gia cùng các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh với các hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép.
Pháp luật hiện hành và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về quản lý, sử dụng pháo quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, theo đó mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo tùy tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Tất cả các trường hợp tự giác giao nộp pháo đều không bị xử lý dưới bất kỳ hình thức nào.
Mọi thông tin tội phạm và vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, đề nghị cán bộ, nhân dân cung cấp kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc thông báo qua số điện thoại đường dây nóng của Công an phường Hà Huy Tập: 0912389986